Truyền thuyết Mẫu Thoải – Tuyên Quang

Mẫu Thoải - Bà mẹ cai quản vùng sông nước theo quan niệm của dân gian. Cũng chính vì thế mà hàng năm, có hàng vạn người con trên khắp mọi miền đất nước hướng về xứ Tuyên. Đông nhất là vào mùa xuân, những người theo tín ngưỡng đạo Mẫu, những người hay lênh đênh trên sóng nước và cả khách du lịch đổ về các đền Tuyên Quang như có một lời hẹn từ trong tâm.

Truyền thuyết về Mẫu Thoải (hay Mẫu Thủy) gắn liền với truyền thuyết về hai di tích Đền Thượng và Đền Hạ ở Thành Tuyên. Người xưa kể rằng, đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Nơi con thuyền đỗ bên bờ sông xưa là Đền Thượng, nay thuộc xóm 14, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang). Theo quan niệm của dân gian, hai vị công chúa chính là hiện thân của con gái Long Vương. 

Tuy nhiên bằng vào hệ thống tượng thờ và hành trình lễ rước cho thấy khi tín ngưỡng thờ Mẫu phát triển, dân gian đã đưa Mẫu Thượng Thiên và Mẫu Thoải cùng Ngọc Hoàng, Long Vương, Quan Hoàng vào phối thờ. Chính vì vậy, hai công chúa thờ tại đền Thượng đền Hạ, đền Ỷ La được Mẫu hóa trở thành những vị Mẫu thần. Theo quan điểm của một số nhà nghiên cứu về văn hóa, sở dĩ Đền Thượng thờ Ngọc Lân công chúa và Đền Hạ thờ Phương Dung công chúa được tôn là Mẫu Thoải không chỉ vì những lý do trên mà hơn cả là có sắc phong của nhà nước phong kiến xưa. Người dân xứ Bắc theo đó mà thờ phụng.

mau-thoai-tuyen-quang

Truyền thuyết về Mẫu Thoải gắn liền với truyền thuyết về hai di tích Đền Thượng và Đền Hạ ở Thành Tuyên

Đối với những người theo Đạo Mẫu, đầu xuân, họ hành hương đến các đền thờ chính của các vị Thánh Mẫu. Họ sẽ đến những đền, phủ chính thờ Mẫu Thượng Thiên (Mẫu Liễu Hạnh), Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Nơi thờ chính Mẫu Liễu là Phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Giầy (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Mẫu Thượng Ngàn được thờ chính ở Đền Cô, xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và Mẫu Thoải ở Tuyên Quang. Quan niệm dân gian cho rằng, Mẫu Thượng Thiên cai quản chung, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi và Mẫu Thoải cai quản vùng sông nước. Dân gian cũng cho rằng, sông nước gắn liền với sự sinh sôi, nảy nở. Nếu muốn cầu cho mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt, tài lộc đầy nhà thì họ thường cầu lên Mẫu Thoải. Ấy thế là hàng năm, người ta nô nức hành hương về Thành Tuyên.

Ngoài hai ngôi đền Thượng và đền Hạ, ở thành phố Tuyên Quang còn một ngôi đền khác thờ mẫu Thoải. Ấy là đền Ỷ La. Tương truyền vào thời vua nhà Nguyễn, nghe tin có giặc loạn đảng tràn vào tỉnh lị Tuyên Quang, người dân mang long ngai thờ Thánh mẫu từ đền Hạ chạy vào thôn Gốc Đa xã Ỷ La. Họ vừa kịp giấu pho tượng vào rừng cây thì quân giặc tới, nhưng chúng không phát hiện ra. Sáng hôm sau, thay vào chỗ bức tượng là một đống mối đùn lớn, dân làng cho là điềm báo ứng. Giặc tan, họ cùng nhau xây một ngôi đền mới thờ Thánh Mẫu ngay trên mảnh đất đó. 

Hàng năm, xuân thu nhị kỳ vào trung tuần tháng 2 và tháng 7 (âm lịch), lễ rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ Đền Mẫu Ỷ La ra Đền Hạ, rồi tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ Đền Thượng qua sông về Đền Hạ để cùng hợp tế. Nghi thức uy nghi, có đầy đủ già trẻ gái trai và khách thập phương tham dự. Người rước Kiệu Mẫu phải là những nam thanh, nữ tú xứ Tuyên. Kèm theo lễ rước là múa lân, kết hợp dàn nhạc với lời ca. Những năm Đền được vua ban cấp sắc phong, nhân dân tổ chức lễ đón nhận long trọng, đông vui. Rước Mẫu là một sinh hoạt lễ hội lớn nhất từ xa xưa kéo dài đến thời gian đầu kháng chiến chống thực dân Pháp mới chấm dứt.

60 năm sau, năm 2006 lễ rước Mẫu được phục dựng đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Đền Mẫu Ỷ La, Đền Hạ, Đền Thượng vừa là nơi bái vọng, vừa là nơi nhân dân góp sức làm từ thiện. Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Mẫu Ỷ La tạo nên một không gian văn hóa độc đáo của xứ sở lâm tuyền.